Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhìn nhận rằng, tăng trưởng kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tuy có khá nhưng chưa bền vững trong thời gian qua. Phó Thủ tướng yêu cầu cần tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm; sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên với mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu…
"Chúng ta cần phải đẩy nhanh các dự án trọng điểm có tính lan tỏa lớn để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Đồng thời, phải dành tất cả nguồn lực cho các dự án trọng tâm, trọng điểm" – Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu đẩy nhanh các dự án trọng điểm có tính lan tỏa lớn để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Ảnh: An An
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương vùng ĐBSCL phải tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để vùng phát triển bền vững; tập trung cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng hiện đại; ưu tiên phát triển các ngành có thế mạnh, phát triển công nghiệp xanh…
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Duy Đông cho biết, hơn 2 năm thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các bộ, ngành tích cực chủ động phối hợp với các địa phương liên quan triển khai thực hiện.
Về các địa phương trong vùng ĐBSCL đã kịp thời chỉ đạo, đề ra giải pháp phù hợp với từng thời điểm để đón nhận thời cơ mới, phấn đấu đạt kết quả cao nhất về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển các ngành, lĩnh vực nói riêng…
Lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL kiến nghị trung ương đầu tư xây dựng các công trình nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước trong điều kiện biến đổi khí hậu; ngăn mặn, trữ ngọt và hệ thống hạ tầng giao thông của vùng.Ảnh: An An
Theo Bộ KHĐT, sau 2 năm thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ, vùng ĐBSCL đã hoàn thành 4/26 nhiệm vụ. Trọng tâm là phê duyệt quy hoạch tỉnh của 13/13 địa phương trong vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, hoàn thành 5 dự án quan trọng kết nối vùng ĐBSCL với vùng Đông Nam Bộ, như: tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2…
Trong quá trình thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ mặc dù nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, như giá xăng dầu tăng, thiếu vật liệu xây dựng, sạt lở diễn biến phức tạp… nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt 6,37% đứng thứ 2/6 vùng kinh tế; bình quân đầu người tăng 10% so với năm 2022; môi trường kinh doanh được cải thiện…
Qua 6 tháng thực hiện kế hoạch hoạt động hội đồng điều phối vùng năm 2024, đến nay đã cơ bản hoàn thành 13/27 nhiệm vụ. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc liên kết vùng ở ĐBSCL cũng còn những hạn chế như liên kết chưa đi vào chiều sâu, hạ tầng giao thông kết nối liên vùng chưa được đồng bộ…
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã kiến nghị trung ương đầu tư xây dựng các công trình nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước trong điều kiện biến đổi khí hậu; ngăn mặn, trữ ngọt và hệ thống hạ tầng giao thông để vùng "chín rồng" cất cánh.